Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Từ 1/5/2009, thực hiện mức lương tối thiểu chung mới và tăng lương hưu, trợ cấp

Từ 1/5/2009, mức lương tối thiểu chung là 650.000 đồng/tháng - Ảnh minh họa

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ hai, 06/04/2009

Hôm nay, 6/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 33/2009/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung thực hiện từ ngày 1/5/2009 là 650.000 đồng/ tháng. Cùng ngày, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 34/2009/NĐ-CP điều chỉnh tăng thêm 5% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.


Mức lương tối thiểu chung nêu trên được áp dụng đối với 4 loại hình cơ quan, đơn vị, tổ chức, bao gồm: các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; các công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/ tháng được dùng làm cơ sở để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật ở 4 loại hình cơ quan, đơn vị tổ chức trên; cũng như được dùng để tính trợ cấp kể từ ngày 1/5/2009 đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước và tính các khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo lương tối thiểu chung.
Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu mới đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm từ các nguồn: tiết kiệm 10% chi thường xuyên đối với từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ. Riêng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương.
Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với người lao động làm việc trong các công ty do công ty bảo đảm và được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất kinh doanh.
Cũng từ ngày 1/5/2009, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng thêm 5% đối với 5 nhóm đối tượng, bao gồm:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân,công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
- Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ chợ cấp hàng tháng quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang rất khó khăn đã tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, các nguồn thu ngân sách bị giảm sút do sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu bị hạn chế, giá dầu thô sụt giảm, bên cạnh đó Chính phủ còn thực hiện hoãn, giãn, giảm nhiều loại thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng; hỗ trợ lãi suất cho vay để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… Trong tình hình đó, quyết định tăng mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong khu vực nhà nước cũng như tăng mức lương hưu, trợ cấp…, cùng với những giải pháp xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người lao động bị mất việc, thất nghiệp, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc chăm lo cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người lao động. Các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp hơn lúc nào hết cần thấm nhuần tinh thần này của Chính phủ, vì lợi ích chung, tích cực thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí để có thêm nguồn chi, giảm giá thành sản phẩm, tránh “tát nước theo mưa” tăng giá hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý để trục lợi, gây tác động ngược đối với một chủ trương tốt đẹp của Đảng và Nhà nước.
Nguồn: Theo Website Chính phủ
....................................

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ TẠI LỄ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA LÀM THEO LỜI DẠY CỦA BÁC, THỰC HIỆN TỐT ĐỀ ÁN 1816 VÀ QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN B



Ngày 14.4, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị Lễ phát động phong trào thi đua làm theo lời dạy của Bác thực hiện tốt Đề án 1816 và quy tắc ứng xử của cán bộ y tế.

Website Bộ Y tế xin trân trọng đăng toàn văn bài “phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu tại lễ phát động phong trào thi đua làm theo lời dậy của Bác thực hiện tốt Đề án1816 và quy tắc ứng xử của cán bộ y tế.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ NGUYỄN QUỐC TRIỆU

TẠI LỄ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUALÀM THEO LỜI DẠY CỦA BÁC THỰC HIỆN TỐT ĐỀ ÁN 1816VÀ QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ Y TẾ

Tại Khách sạn La Thành, Hà Nội – ngày 14/4/2009


Kính thưa Đ/c Nguyễn Thị Doan - Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch Nước CHXHCN VN

Thưa Quý vị Đại biểu

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tăng cường các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội hướng về cơ sở, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để hỗ trợ tạo điều kiện cho khu vực này phát triển, trong đó các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng.

Bộ Y tế đã phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" (gọi tắt là Đề án 1816), đồng thời triển khai quyết liệt Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế. Đó là những hoạt động thiết thực của ngành hướng về cơ sở, tập trung ưu tiên phục vụ địa phương, vùng khó khăn.

Sau chín tháng thực hiện, Đề án 1816 đã được kiểm tra đánh giá sơ kết tại Hội nghị Tổng kết công tác khám chữa bệnh năm 2008. Hiệu quả đã dần thấy rõ: Chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới có chuyển biến tiến bộ rõ rệt; Nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của các tỉnh, thành đã từng bước làm chủ được các kỹ thuật do bệnh viện tuyến trên chuyển giao; Tình trạng người bệnh phải chuyển tuyến trên đã giảm đi khoảng 30%; Chúng ta rất vui mừng được thấy Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ghi nhận đây là giải pháp đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của nhân dân ở các địa phương, cơ sở vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Theo đó, đã chỉ đạo các Bộ, ngành ủng hộ, tạo điều kiện; cấp ủy và chính quyền địa phương tích cực phối hợp.

Tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, hôm nay, tại buổi mít tinh trang trọng này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, tôi tuyên bố phát động phong trào thi đua làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành Y tế với chủ đề "Hướng về y tế cơ sở cán bộ y tế làm theo lời dạy của Bác 'Thầy thuốc phải như mẹ hiền' quyết tâm thực hiện thắng lợi Đề án 1816 nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên toàn hệ thống".

Chúng ta cùng xác định 3 mục tiêu:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, phấn đầu xuất hiện được càng nhiều những điển hình tập thể và cá nhân tiên tiến.

2. Tiếp tục nâng cao phẩm chất, đạo đức của người thầy thuốc, người cán bộ y tế thực hiện đoàn kết thống nhất trong tập thể, đơn vị, đáp ứng tốt nhu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong mọi điều kiện, tạo sự ủng hộ và đồng thuận của toàn xã hội đối với y tế trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

3. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế trong toàn hệ thống lên một bước, đáp ứng ngày một tốt hơn như cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Với một số chỉ tiêu quan trọng cần đạt được như sau:

1. 100% các đơn vị sự nghiệp ngành Y tế có kế hoạch triển khai cụ thể thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ viên chức y tế tại đơn vị.

2. Đạt hiệu quả và ảnh hưởng rõ rệt của việc thực hiện Quy tắc ứng xử đối với chất lượng khám chữa bệnh tại đơn vị và đối với xã hội.

3. 100% các đơn vị y tế có kế hoạch triển khai, tích cực thực hiện Đề án 1816 (trong đó có thành lập Ban chỉ đạo).

4. 100% các đơn vị lập kế hoạch (thực hiện hợp đồng trách nhiệm) trên cơ sở khảo sát thực tiễn giữa các đơn vị cử cán bộ luân phiên và đơn vị nhận cán bộ luân phiên, đảm bảo kế hoạch khả thi.

5. 100% đơn vị đảm bảo chỉ tiêu quân số cán bộ đi luân phiên, đúng theo qui định và yêu cầu nhiệm vụ.

6. Đạt hiệu quả cao trong việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ khám chữa bệnh, đóng góp thiết thực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới (số lượng, chất lượng kỹ thuật)

7. Đạt tỷ lệ cao giảm tải cho tuyến trên do kết quả thực hiện Đề án 1816 tại các đơn vị.

Để thực hiện các mục tiêu và tiêu chí quan trọng kể trên, cần nỗ lực tập trung các giải pháp:

1. Tổ chức học tập và tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân". Tập trung chỉ đạo tổ chức việc làm theo lời dạy của Bác "Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền".

2. Triển khai quyết liệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức y tế tại các đơn vị trong toàn ngành.

3. Xây dựng tiêu chí để tặng thưởng các danh hiệu "Thầy thuốc phải như mẹ hiền" cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

4. Xây dựng nhiều gương điển hình tiên tiến là các tập thể và cá nhân trong phong trào thi đua góp phần làm cho phong trào ngày càng lan toả và rộng khắp, ngày càng phát triển và mang lại hiểu quả cao.

5. Các cơ quan chức năng Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Việc đánh giá, sơ kết 6 tháng, 9 tháng và 01 năm phải được tiến hành một cách thận trọng, tỉ mỉ, chính xác và công khai. Phải có các hình thức khen, chê kịp thời và đúng người, trúng việc tạo ra động lực mới cho phong trào.

6. Tích cực tuyên truyền sâu rộng để nhân dân địa phương hiểu biết đồng tình, ủng hộ các hoạt động của Bộ Y tế trong thực hiện Đề án 1816 và Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức ngành Y tế; tạo ra niềm tin của nhân dân địa phương đối với y tế tuyến địa phương, yên tâm điều trị tại chỗ, cùng giám sát việc thực hiện tại các đơn vị; góp phần thực hiện "giảm tải tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.

Trong không khí sôi nổi cả nước tiếp tục đẩy mạnh cuộc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chuẩn bị kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động 01/5, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Y tế tiếp tục hướng ứng cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực tham gia phong trào thi đua "Hướng về y tế cơ sở cán bộ y tế làm theo lời dạy của Bác "Thầy thuốc phải như mẹ hiền" quyết tâm thực hiện thắng lợi Đề án 1816 nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên toàn hệ thống" góp phần thực hiện nhiệm vụ năm 2009, lập nhiều thành tích trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Chúc phong trào thi đua của chúng ta thành công tốt đẹp. Kính chúc Quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguồn Ban biên tập Website Bộ Y tế

Ngày 15/04/2009

.....................


Hội thảo trực tuyến 63 tỉnh thành của Bộ Y tế


Ngày 23/4, tại Hà nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế Ứng dụng Công nghệ thông tin tổ chức hội nghị trực tuyến tại 63 tỉnh thành trong cả nước. Tại tất cả các điểm cầu chất lượng hình ảnh, âm thanh đều đáp ứng được với yêu cầu đề ra, các điểm cầu tín hiệu đều rõ ràng vì thế các đại biểu có thể phát biểu và trình bày các tham luận và có thể nghe được lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo, đưa ra các giải pháp về công tác đào tạo nhân lực y tế. Việc tổ chức hội thảo theo hình thức này đã không chỉ giúp các đại biểu trong cả nước tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại mà còn góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ. Hội thảo không những thành công về nội dung và mở ra hướng phát triển về truyền hình trực tuyến,được biết, rất nhiều các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế đã trao đổi với Văn phòng Bộ cũng mong muốn tổ chức hội thảo.

Để có được thành công này, ngoài sự hỗ trợ của Tổng Công ty viễn thông quân đội Viettel, sự kết hợp nội dung chương trình hội thảo của Vụ Khoa học & đào tạo là sự chuẩn bị chu đáo về kỹ thuật của Văn phòng Bộ đặc biệt là phòng Công nghệ thông tin chịu trách nhiệm về kỹ thuật để triển khai hội thảo trực tuyến.

Trước đó, vào ngày 12/6/2008, Văn phòng Bộ (Phòng Công nghệ thông tin) được giao nhiệm vụ triển khai giao ban trực tuyến về đào tạo nguồn nhân lực y tế theo nhu cầu của xã hội đã tổ chức hội thảo tại 3 điểm cầu tại Hà Nội - Hội trường Bộ Y tế 138A Giảng Võ; tại Huế - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, tại TP. Hồ Chí Minh - Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo này cũng đã thu được những thành công nhất định và góp phần giảm chi phí hàng trăm triệu đồng cho ngân sách nhà nước.

Nguồn Ban biên tập Website Bộ Y tế

Ngày 27/04/2009

.....................