Thứ Tư, 1 tháng 10, 2008

Định hướng ứng dụng công nghệ thông tin

ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG BỆNH VIỆN

Định hướng trong ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện trong thời gian tới là:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện phần mềm quản lý báo cáo thống kê bệnh viện (Medisoft 2003) và kết xuất báo cáo gửi về Bộ Y tế. Bộ Y tế (Vụ Điều trị cung cấp định dạng tin học các báo cáo thống kê bệnh viện cho các bệnh viện sử dụng.
2. Các bệnh viện trong toàn quốc tích cực, chủ động xây dựng phần mềm tin học quản lý bệnh viện nhưng phải kết nối được với phần mềm thống kê Medisoft 2003.
3. Bộ Y tế (Vụ Điều trị) xây dựng và ban hành các tiêu chí để đánh giá, kiểm tra việc ứng dụng CNTT trong quản lí bệnh viện.
4. Vụ Điều trị xây dựng phần mềm dùng chung với một số modul cơ bản có mã nguồn mở, hỗ trợ các bệnh viện đẩy nhanh tốc độ ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện.
5. Phối hợp với các đơn vị liên quan từng bước nghiên cứu và xây dựng chuẩn trao đổi dữ liệu y khoa quốc tế HL7.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY NHANH TỐC ĐỘ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QLBV BỆNH VIỆN
1. Phần mềm thống kê báo cáo (Medisoft 2003)
Tiếp tục ứng dụng Medisoft 2003 trong việc quản lý báo cáo thống kê và kết xuất báo cáo gửi về Sở Y tế và Bộ Y tế (việc này như đã trình bày ở trên rất đơn giản), các bệnh viện theo nhu cầu có thể lựa chọn ứng dụng hay không phần quản lý Hồ sơ Bệnh án. Vụ Điều trị cung cấp định dạng tin học các báo cáo thống kê bệnh viện cho các bệnh viện đang sử dụng phần mềm QLBV của các đơn vị khác, các bệnh viện phải yêu cầu các công ty phải kết xuất trực tiếp các báo cáo thống kê bệnh viện, tránh nhập bệnh nhân nhiều lần, gây phiền hà cho bệnh nhân.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bệnh viện triển khai thực hiện được phần mềm quản lý báo cáo thống kê bệnh viện (Medisoft 2003) và kết xuất báo cáo gửi về Bộ Y tế.
Phấn đấu đến hết năm 2010: trên 80% các bệnh viện trong toàn quốc thực hiện phần mềm quản lý báo cáo thống kê bệnh viện (Medisoft 2003).
2. Mạng LAN của bệnh viện
Hệ thống mạng LAN trong bệnh viện chính là cơ sở hạ tầng của hệ thống thông tin và là một yếu tố quan trọng quyết định thành công việc ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ của các phần mềm quản lý bệnh viện đồng bộ. Vì vậy, cần được tư vấn và thiết kế mạng LAN trong bệnh viện thật tốt, sao cho đáp ứng được các yêu cầu hệ thống ứng dụng và dịch v trong giai đoạn hiện tại và tương lai. Tùy theo địa hình phân tán của các điểm nút mạng cần phải lựa chọn công nghệ đường truyền sao cho đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật (vd: cáp quang; sợi trục hay công nghệ không dây ...)
Hệ thống mạng cần phải đáp ứng các yêu cầu về ứng dụng, đảm bảo cung cấp hạ tầng truyền thông cho việc truy cập cũng như cập nhật và tích hợp hệ thống dữ liệu trong bệnh viện và ra bên ngoài. Đây là tiền đề cho các bước phát triển hệ thống ứng dụng thống nhất trong một bệnh viện nói riêng và toàn ngành y tế nói chung trong các giai đoạn tiếp theo.
Phấn đấu đến hết năm 2010: 100 % các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 30% bệnh viện tuyến quận, huyện có hệ thống mạng LAN trong bệnh viện.
3. Kết nối Internet
Internet đang được phổ biến hết sức nhanh chóng trở thành hệ thống huyết mạch quan trọng của mọi hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội. Càng ngày người dùng Internet đang được hưởng thành quả của các tiến bộ vượt bậc về công nghệ cũng như hạ tầng cơ sở viễn thông, tốc độ đường truyền cao ổn định, cho phép nhân viên y tế có thể sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau qua Internet.
Việc sử dụng dịch vụ Internet, dịch vụ kết nối và dịch vụ ứng dụng Internet trong hệ thống bệnh viện là rất cấp thiết, là một cửa ngõ lưu thông để cập nhật với khoa học công nghệ Y học thế giới, khuyến khích ưu tiên phát triển Internet bệnh viện là một chủ trương lớn của nghành Y tế.
Phấn đấu đến hết năm 2010: 100 % các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 30% bệnh viện tuyến quận, huyện mở cổng Internet, cán bộ nhân viên bệnh viện được sử dụng miễn phí Internet tại bệnh viện.
4. Website của bệnh viện
Trang website bệnh viện tạo một kho dữ liệu thông tin về quá trình phát triển, tổ chức kết cấu bệnh viện, vật tư thiết bị y tế, phục vụ tra cứu thuốc, năng lực phục vụ người bệnh, các nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu; giúp cho cán bộ trong bệnh viện, sinh viên, người dân quan tâm tra cứu đáp ứng yêu cầu thông tin kịp thời phục vụ người bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo; tăng cường trao đổi thông tin trong hệ thống bệnh viện, cũng như các cơ sở khoa học trong và ngoài nước thông qua việc kết nối mạng trong hệ thống bệnh viện trên cả nước và kết nối Internet; nâng cao năng lực quản lý điều hành bệnh viện trên cơ sở nắm bắt kịp thời các thông tin bệnh viện qua website.
Phấn đấu đến hết năm 2010: 100 % các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 30% bệnh viện tuyến quận, huyện có trang Website riêng của bệnh viện.
5. Tích cực, chủ động xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện
Trước các tiến bộ vượt bậc của công nghiệp phần cứng, giá thành của các thiết bị phần cứng ngày càng giảm, do đó yếu tố phần mềm trở nên vô cùng quan trọng trong việc ứng dụng tin học quản lý bệnh viện. Bên cạnh việc đưa ra các tiêu chí về quản lý y tế cho việc ứng dụng tin học quản lý bệnh viện, Vụ Điều trị chủ trương nâng cấp Medisoft 2003 trở thành một phần mềm quản lý bệnh viện thực sự.
Phần mềm này bao gồm một số mô- đun cơ bản nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý chung nhất của tất cả các bệnh viện (khoa khám bệnh; cận lâm sàng; nội trú; viện phí và BHYT; dược kho và quản lý dược bệnh nhân).
Việc phát triển phần mềm này không phải là một chủ trương thống nhất phần mềm phục vụ cho quản lý hệ thống các bệnh viện mà chỉ đơn giản nhằm mục tiêu giảm tối đa chi phí phát triển phần mềm cho các bệnh viện, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu và giúp đẩy nhanh tốc độ tin học hóa quản lý bệnh viện trong thời gian tới.
Phần mềm này do Vụ Điều trị - Bộ Y tế chủ trì phối hợp với một số đơn vị có năng lực CNTT phát triển, bản quyền phần mềm thuộc Bộ Y tế và mã nguồn phần mềm sẽ do Vụ Điều trị quản lý, sau khi triển khai thí điểm thành công tại một số bệnh viện, phần mềm này sẽ được cung cấp cho các bệnh viện kèm theo mã nguồn và tài liệu kỹ thuật chi tiết.
Tùy theo yêu cầu quản lý chi tiết và đặc thù công việc mà các bệnh viện có thể dựa vào cán bộ CNTT của bệnh viện hoặc thuê các đối tác thích hợp để chỉnh sửa (customize), phát triển tiếp hoặc thêm hoặc bớt các chức năng, tất nhiên là chi phí sẽ rất thấp bởi lẽ có rất nhiều cá nhân hoặc công ty có thể làm được việc này.
Các chỉnh sửa thuộc phần khung sẽ của phần mềm- theo luật của phần mềm mã nguồn mở- sẽ được phổ biến trở lại cho bệnh viện và Bộ Y tế nhằm tiếp tục hoàn thiện để ứng dụng cho các bệnh viện khác đồng thời các bệnh viện cũng có thể chủ động với phần mềm và cơ sở dữ liệu của mình. Những mô-đun thêm mới sẽ thuộc bản quyền của các đơn vị phát triển tiếp theo mà không yêu cầu phải trao lại cho Bộ Y tế.
Đây là mô hình phát triển phần mềm ”lặp và tăng dần” dựa trên cơ sở mô hình tiến hóa, có ưu điểm là phát huy được sức mạnh trí tuệ tập thể của các chuyên gia tin học trong và ngoài ngành, đẩy nhanh tốc độ ứng dụng tin học trong quản lý bệnh viện. Sau quá trình triển khai tại một số bệnh viện, những nhược điểm của phần mềm sẽ bị loại bỏ hoặc thay thế, tất cả các ưu điểm sẽ được giữ lại để nâng cấp cho phiên bản sau và phần mềm sẽ không ngừng được hoàn thiện.
Việc phát triển phần mềm khung quản lý bệnh viện là rất phức tạp cho nên quá trình hoàn thiện, tối ưu, chuẩn hóa phần mềm cần phải có thời gian và cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng
+ Phối hợp với Cục Dược xây dựng bộ mã thuốc theo chuẩn quốc tế (ATC) để thống nhất quản lý sử dụng thuốc trên toàn quốc. Hiện nay mỗi bệnh viện đều quản lý thuốc sử dụng trong bệnh viện theo theo danh mục hoặc theo mã riêng của mình gây hạn chế cho việc tổng hợp số liệu toàn ngành.
+ Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thống nhất và tích hợp quản lý thanh toán BHYT. Hiện nay việc quản lý thanh toán cho các đối tượng có thẻ BHYT là tương đối thống nhất về danh mục và biểu giá. Một số loại hình dịch vụ không được BHYT chi trả sẽ được thống kê riêng. Tại các bệnh viện có trang bị phần mềm quản lý thanh toán BHYT cho các nhân viên của bệnh viện sử dụng, sau đó in ra các mẫu báo cáo thường quy và kết xuất các báo cáo theo định dạng tin học để báo cáo cho các đơn vị chức năng của BHXH. Bộ Y tế sẽ đề nghị các đơn vị chức năng và đơn vị quản lý CNTT của BHXH cung cấp các biểu mẫu báo cáo và các định dạng tin học để kết xuất trực tiếp các báo cáo này từ phần mềm khung quản lý bệnh viện, tránh nhập lại thông tin bệnh nhân nhiều lần gây phiền hà cho người bệnh, lãng phí nhân lực bệnh viện tại các bệnh viện có ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện.
Việc xây dựng phần mềm dùng chung là một công việc hết sức lớn và khó khăn trong việc giới hạn khung phần mềm, chuẩn hoá dữ liệu, chuẩn hoá các chỉ số dữ liệu thu thập. Vì vậy, trước hết các bệnh viện có nhu cầu cấp thiết cần chủ động xây dựng phần mềm quản lí bệnh viện phù hợp.
7. Xây dựng hành lang pháp lý về ứng dụng CNTT trong QLBV
Xây dựng và ban hành các tiêu chí để đánh giá, kiểm tra việc ứng dụng CNTT trong quản lí bệnh viện.
Xây dựng quy chế và hướng dẫn cho các bệnh viện ứng dụng CNTT quản lý
bệnh viện. Đây sẽ là tài liệu giúp các nhà quản lý bệnh viện làm cơ sở để quản lý
tốt công tác ứng dụng tin học quản lý bệnh viện.
8. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho ứng dụng CNTT trong QLBV
Các bệnh viện hàng năm cần dành một khoản ngân sách thích hợp để đầu tư hoặc tái đầu tư cho CNTT. Theo kinh nghiệm từ một số mô hình ứng dụng thành công tin học quản lý bệnh viện việc ứng dụng tin học để quản lý đồng bộ, triệt để sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, bù đắp các chi phí ban đầu chi cho hoạt động này.
9. Nâng cao năng lực quản lí CNTT của lãnh đạo bệnh viện
Phối hợp với các đơn vị chức năng như TTCNTT, Văn phòng Bộ tổ chức các lớp QLCNTT (CIO) cho các lãnh đạo và các nhà quản lý bệnh viện. Giới thiệu một số mô hình các bệnh viện đã ứng dụng có hiệu quả CNTT trong quản lý bệnh viện.
10. Phối hợp với các đơn vị chuyên ngành liên quan nghiên cứu về chuẩn giao tiếp (HL7), bệnh án điện tử và các nghiên cứu ứng dụng tin học khác
Nghiên cứu bệnh án điện tử là một nghiên cứu mũi nhọn nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo của các ứng dụng CNTT trong bệnh viện nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu lâm sàng các bệnh viện.
Trong tương lai nhu cầu trao đổi thông tin giữa các bệnh viện trong nước và với các bệnh viện quốc tế là rất lớn, việc chuẩn hóa các giao tiếp theo chuẩn quốc tế HL7 là một việc làm hết sức cấp thiết đòi hỏi phải được đầu tư thích đáng về nguồn lực và trí tuệ.
11. Mở rộng hợp tác quốc tế
Tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn lực để phát triển phần mềm QLBV và cập nhật các kiến thức, giải pháp và thông tin mới nhất về lĩnh vực này.
Kết luận
Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế nói chung và trong quản lý bệnh viện nói riêng đang là một nhu cầu cấp bách, đòi hỏi có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt giám đốc Sở Y tế và giám đốc bệnh viện đầu tư thích hợp ngang với yêu cầu phát triển, để ngành y tế không bị tụt hậu, phát triển ngang tầm với các ngành khoa học khác và cập nhật với các nước trung bình tiên tiến trong khu vực.
Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện là thiết thực nâng cao năng lực quản lý và điều hành của giám đốc các bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vì vậy giám đốc các bệnh viện phải thực sự quan tâm đầu tư mọi nguồn lực để ứng dụng và phát triển CNTT trong bệnh viện.
Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Y tế, sự cố gắng, quyết tâm của lãnh đạo và công chức các đơn vị, tin tưởng rằng việc ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện thời gian tới sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và hiện đại hoá bệnh viện./.

Ban biên tập BYT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét