Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

Cho em bé bú thế nào nhỉ


• Cấu tạo của vú
Vú bao gồm núm vú, quầng vú (là phần sậm màu quanh núm vú), tuyến vú và các mô mỡ dưới da. Mỗi tuyến vú được chia thành 15 – 20 thùy và được nối với núm vú qua các ống dẫn sữa. Chức năng chính của tuyến vú là tạo ra sữa và bảo quản sữa. Sữa tạo ra trong tuyến vú được dẫn vào ống dẫn sữa, qua khoang chứa sữa đến núm vú và vào miệng trẻ khi trẻ bú. Sữa mẹ chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ cả về thể chất và trí não, ngoài ra sữa mẹ còn chứa kháng thể giúp trẻ tránh được bệnh tật..
• Bao lâu sau khi sinh thì người mẹ có sữa?
Sau khi sinh 2 – 3 ngày cơ thể người mẹ mới tiết ra một lượng rất ít sữa màu vàng gần như trong suốt, người ta gọi đó là sữa non, nhưng chỉ trong vòng 1 – 2 tuần lượng sữa mẹ sẽ đủ để nuôi em bé. Ban đầu lượng sữa mẹ tiết ra rất ít nhưng tình trạng đó sẽ được cải thiện dần do kích thích từ động tác mút sữa của trẻ. Những đứa trẻ được nuôi bằng sữa bình sẽ không chịu bú mẹ vì chúng không quen với việc phải mút mạnh vú mẹ để có sữa. Nếu sau 4 – 6 ngày sau khi sinh lượng sữa mẹ vẫn chưa đủ cho trẻ bạn nên cho trẻ bú thêm sữa bột. Tuy nhiên lúc này bạn cần phải tham vấn ý kiến bác sĩ hay chuyên viên chăm sóc sức khỏe.

• Tại sao lại khuyến khích cho trẻ bú sữa mẹ?
Cho trẻ sơ sinh bú mẹ là điều tối quan trọng vì sữa mẹ chứa những chất dinh dưỡng tự nhiên chống lại bệnh tật, như tạo ra kháng thể ở thành ruột nhằm ngăn chặn vi khuẩn và vi trùng. Sữa mẹ còn giàu chất đường sữa và chất sát trùng. Sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thu, ngoài ra axít amino trong sữa mẹ giúp cơ thể trẻ tăng trưởng từng ngày. Trước mỗi lần cho trẻ bú, người mẹ phải luôn rửa sạch tay, lau toàn bộ vùng vú, núm vú bằng khăn ướt và sạch. Nếu núm vú bị nứt nẻ và sữa không thông đều phải xử lý kịp thời để tránh gây ra viêm tuyến vú. Nếu núm vú có vết nứt thì phải tạm dừng cho con bú để bôi thuốc chống viêm, dùng dụng cụ hút sữa hoặc dùng tay nặn sữa vào bình để cho bé bú. Nếu sữa quá nhiều bé bú không hết thì nên vắt bỏ sữa thừa nhằm thúc đẩy tuyến sữa tiết ra sữa nhiều hơn.

• Cho trẻ bú bao nhiêu lần trong ngày là hợp lý?
Em bé sẽ đòi ăn bất cứ khi nào bé đói, vì vậy nên cho trẻ bú khi trẻ đòi trong tháng đầu sau khi sinh. Trẻ sơ sinh thường không có giờ giấc bú rõ ràng. Ban ngày khoảng 3 – 4 lần, các cữ bú cách nhau khoảng 2 đến 3 giờ một lần, do đó trong ngày bạn có thể cho bé bú 8 cữ và vài cữ nhỏ ban đêm Sau 1 – 2 tháng bạn có thể cho bé bú đều đặn 6 – 7 lần trong ngày, sau 2 – 3 tháng khoảng 5 – 6 lần trong ngày.

• Thời gian mỗi lần cho trẻ bú là bao lâu?
Thông thường thời gian lý tưởng mỗi lần cho trẻ bú là 10 – 15 phút, đôi khi 15 – 20 phút. Mục đích chính của việc cho bú là cung cấp cho trẻ những chất dinh dưỡng cần thiết, tuy nhiên còn vài yếu tố quan trọng khác như đáp ứng nhu cầu mút bầu vú mẹ giúp cho cơ hàm, gò má trẻ phát triển. Do đó nếu trẻ bú xong quá nhanh những mục đích cơ bản chủ yếu của việc cho bú sẽ giảm đi một nữa.

• Làm thế nào giúp trẻ bú mẹ được dễ dàng?
Trước tiên nên lau núm vú và quầng vú rồi đưa vào miệng trẻ (cả núm vú và quầng vú), đặt ngay trên lưỡi để trẻ có thể mút dễ dàng. Khi bầu vú căng đầy sữa, trẻ không thể ngậm hết cả phần quầng vú bạn nên lau bằng khăn ướt để làm cho vùng quầng núm vú mềm lại hay vắt bớt sữa đi. Sau khi trẻ bú xong nên cho trẻ ợ ra lượng khí đã nuốt vào khi bú bằng cách bế trẻ thẳng lên rồi vuốt hay vỗ nhẹ lên lưng trẻ.

• Làm gì khi trẻ không thể bú được sữa mẹ (trường hợp mẹ có đủ sữa)?
Những nguyên nhân xảy ra có thể từ bản thân trẻ hay từ người mẹ. Trong những trường hợp trước đây do đứa trẻ sinh ra quá nhỏ, trẻ có tật hay cơ hàm quá yếu, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra hầu có thể thực hiện những điều chỉnh thích hợp.

Trong thời gian sau này nguyên nhân thường là ở bầu vú người mẹ như: bộ ngực phẳng, núm vú thụt vào trong. Ngày nay hầu hết núm vú của phụ nữ bị thụt vào vì họ bắt đầu mặc áo nịt ngực từ lúc 10 tuổi và mặc ngay cả khi ngủ. Họ mặc những chiếc áo nịt ngực bó sát để tạo dáng cho những bộ ngực to nhưng phẳng, vì thế núm vú sẽ bị thụt vào trong và chiếc miệng bé xíu của trẻ sẽ không thể ngậm được. Trong trường hợp này tốt nhất nên sử dụng núm vú nhân tạo gắn vào vú bạn khi cho trẻ bú. Trẻ không thể bú được khi vú quá căng sữa, vì vậy nên vắt bỏ bớt sữa hay dùng khăn thấm nước nóng chườm lên vú để sữa chảy bớt ra. Nếu dùng núm vú nhân tạo nên lau vú của bạn bằng khăn thấm nước nóng trước khi dùng. Để giúp trẻ bú dễ dàng hơn nên cho ít sữa mẹ vào núm vú nhân tạo trước khi cho trẻ bú.

• Tư thế nào tạo thoải mái cho trẻ?
Nếu người mẹ căng thẳng và không thư giãn thì trẻ cũng không thể bú sảng khoái được. Vì vậy người mẹ phải tạo cho mình trạng thái thư giãn khi cho trẻ bú là điều quan trọng. Bạn nên tìm cho mình tư thế thoải mái nhất như thả lỏng tay lên tay vịn của ghế. Bạn hãy hít thở dài hơi và thư giãn đôi vai, bàn càng thoải mái bao nhiêu thì em bé sẽ bú dễ dàng bấy nhiêu. Bạn hãy tình một chỗ ngồi thoải mái trong tư thế thẳng và có chỗ dựa lưng. Đó có thể là một chiếc ghế thấp không tay vịn hoặc ngồi trên giường thì nên có nhiều gối để đỡ lưng. Nếu miệng trẻ cách xa vú mẹ, trẻ không thể bú được, vì vậy bạn nên đặt một cái gối cao vào lòng để nâng em bé lên cho vừa tầm hoặc co một bên đầu gối lên để đỡ lấy cơ thể em bé và nên nhớ giữ cho đầu em bé luôn cao hơn phần thân còn lại.

• Trẻ thường bị ọc sữa sau khi bú, điều đó có hại gì? Làm thế nào để khắc phục?
Trẻ thường bị ọc sữa do cấu tạo của bao tử còn quá nhỏ. Sự xáo trộn này sẽ tự qua khỏi, vì vậy bạn không nên quá lo lắng. Có những đứa trẻ bú một lượng quá nhiều sữa quá nhanh và ọc ngay sau đó vì sữa có lẫn nhiều không khí. Trong trường hợp này tốt nhất nên cho trẻ ngừng bú để trẻ ợ rồi mới cho bú tiếp. Nếu trẻ bú quá nhiều nên cố giảm bớt lượng sữa cho trẻ và tìm hiểu nguyên nhân. Phải luôn quan sát để thấy những thay đổi ở trẻ. Cho dù trẻ thường bị ọc sữa cũng không nên quá lo lắng nếu trẻ tăng trưởng bình thường. Tuy nhiên nếu trẻ thường xuyên bị ọc sữa, không tăng cân, thậm chí giảm cân cần đưa trẻ đến khám ở bác sĩ Nhi khoa. Sau khi trẻ bị ọc sữa, người mẹ thường cố cho trẻ bú lại lượng sữa mới bằng số đã bị ọc ra, điều này không nên vì nó có thể làm rối loạn trạng thái quân bình ở trẻ.

• Cho trẻ ợ như thế nào?
Bế trẻ thẳng đứng, cho đầu trẻ tựa lên vai bạn hoặc cho em bé ngồi trong lòng bạn, thân nghiên ra đằng trước rồi dùng tay chà hay vỗ nhẹ vào lưng trẻ từ dưới lên trên. Bạn hãy nhớ luôn nâng đầu bé vì cổ bé còn yếu chưa chịu được sức nặng của đầu.


Cách cho trẻ bú

Cho trẻ bú sớm ngay trong vòng 30 phút đầu sau khi đẻ, bú sớm sẽ kích thích tiết sữa sớm, trẻ được bú sữa non sẽ phòng bệnh được tốt. Bú sớm gây được tình cảm giữa mẹ và con. Động tác bú có tác dụng co hồi tử cung và cầm máu cho người mẹ sau đẻ.

Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu khi nào trẻ muốn kể cả vào ban đêm sẽ càng kích thích mẹ tạo nhiều sữa hơn. Cần tạo điều kiện cho mẹ và con nằm cạnh nhau để thuận lợi cho việc cho bú, càng cho bú nhiều sữa càng ra nhiều.

Cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 4 tháng đầu mà không cần phải ăn thêm thức ăn đồ uống nào khác.

Khi trẻ bị bệnh, khi trẻ ốm, đặc biệt khi trẻ bị tiêu chảy vẫn tiếp tục cho trẻ bú và cho bú nhiều lần hơn bình thường. Trong trường hợp trẻ không bú được cần phải vắt sữa để trẻ uống bằng thìa.

Không cho trẻ bú chai và ngậm đầu vú cao su vì như vậy trẻ sẽ bỏ vú mẹ và dễ bị tiêu chảy.

Nên cho trẻ bú kéo dài đến 2 tuổi vì sữa mẹ trong thời gian này vẫn cung cấp một lượng chất dinh dưỡng cho trẻ nhất là ở những gia đình nghèo, khi thức ăn sam không được đầy đủ.

Làm thế nào để có đủ sữa cho con bú?

Cho trẻ bú đúng tư thế trẻ sẽ bú dễ dàng, bú đủ sữa, mẹ không cương sữa, phòng viêm và nứt đầu vú.

Cách cho bú: Mẹ nằm hoặc ngồi tư thế thoải mái, bế trẻ vào lòng ôm sát trẻ vào người mẹ, miệng trẻ mở rộng ngậm sâu quầng thâm quanh núm vú, cằm tỳ sát vào vú mẹ.

Khi nuôi con bú, người mẹ cần được nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ tốt, tinh thần thoải mái, luôn tin tưởng mình có nhiều sữa và được sự quan tâm chăm sóc của gia đình, giúp đỡ của nhân viên y tế.

Cần được ăn uống nhiều hơn bình thường, ăn no, đủ chất, không nên kiêng khem quá. Bữa ăn hằng ngày ăn thêm các thức ăn như thịt, cá, trứng, đậu, lạc, vừng, các loại rau xanh, quả chín... uống từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày như nước quả, nước cháo, sữa, nước đun sôi...

Những bà mẹ ít sữa nên cho trẻ bú nhiều lần và cho trẻ bú cả ban đêm vì sẽ kích thích tạo sữa tốt hơn. Để tận dụng nguồn sữa mẹ, thời kỳ ăn dặm người mẹ nên cho trẻ bú trước rồi mới cho ăn thêm.

Nên hạn chế các thức ăn gia vị như hành, ớt, tỏi... vì có thể bài tiết qua sữa gây mùi khó chịu trẻ dễ bỏ bú.

Cần chú ý khi dùng thuốc vì một số loại thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa.

Sưu tầm và tổng hợp từ Pigeon.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét