Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

Đẻ lần đầu mình phải chuẩn bị như thế nào

Đẻ lần đầu mình phải chuẩn bị như thế nào


Khi cơn co thắt tử cung bắt đầu, nếu bạn vẫn còn ở nhà thì nên tranh thủ ăn chút gì để giữ gìn thể lực, nhưng nên tránh những thực phẩm nhiều mỡ và khó tiêu.


Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn vượt cạn một cách dễ dàng từ những người giàu kinh nghiệm:

Quà vặt làm giảm nguy cơ sinh thiếu tháng


Khi những ngày ốm nghén đi qua, nếu có thể ngoài 3 bữa chính bình thường, bạn nên ăn thêm 2 bữa phụ.


Các bác sĩ khẳng định, nếu bà bầu không ăn liên tục trong 13 giờ(bao gồm cả thời gian ngủ) thì khả năng sinh sớm sẽ tăng 30%. Đó là do bụng trống rỗng cộng thêm cảm giác đói sẽ tạo nên áp lực đối với cơ thể và nếu cảm giác này lặp lại nhiều lần sẽ dẫn tới phản ứng co cơ thể, dễ dẫn tới sinh non.


Thường xuyên tư vấn với bác sĩ


Giữ mối quan hệ tốt với bác sĩ khoa sản của bạn và cứ lo lắng hay nghi ngờ gì bạn hãy bày tỏ ngay với họ. Bác sĩ sẽ lắng nghe và giải thích cho bạn dù là những điều nhỏ nhặt nhất.


Uống nhiều nước


Mỗi ngày bạn nên uống 8-12 cốc nước. Uống đủ nước sẽ tránh được hiện tượng táo bón trong thời kỳ mang thai, giảm khả năng sinh thiếu tháng và cũng giúp tích trữ nước cho ngày vượt cạn, đồng thời giúp cơ thể của bạn sản sinh đủ sữa cho em bé.


Tìm hiểu về chuyện làm cha mẹ

Tranh thủ lúc bé chưa chào đời, vợ chồng bạn hãy tìm hiểu về cuộc sống của trẻ sơ sinh, cách chăm sóc bé và giữ gìn tổ ấm của mình khi xuất hiện thành viên tí hon. Bạn cũng nên học hỏi từ những người đã có kinh nghiệm, đọc sách báo về những điều đó, nhất là về cuộc sống của bé trong 2-3 tháng đầu đời.


Nếu bạn đợi đến khi bé chào đời mới tìm hiểu thì đã muộn vì khi ấy bạn cực kỳ bận rộn. Đừng quên tìm và nhờ trước một người họ hàng đáng tin cậy đến giúp bạn trong thời gian ấy.


Luôn "sẵn sàng" trước ngày dự định sinh một tháng


Sau khi tròn 36 tuần tuổi, bé đã sẵn sàng chào đời bất cứ lúc nào có thể. Cho nên bạn cần phải hoàn thành mọi việc chuẩn bị trước ngày dự sinh 1 tháng, kể cả túi đồ sẽ mang vào viện khi trở dạ, ghi lại rõ ràng số điện thoại của vài hãng xe taxi...


Chọn người thích hợp để cùng bạn vào phòng sinh


Theo một kết quả điều tra của Mỹ mới đây thì việc sản phụ được chọn một người vào phòng sinh với mình làm giảm một nửa số ca phẫu thuật, giảm 1/3 lượng thuốc giảm đau và cũng bớt đi 1/4 thời gian sinh nở.


Phân tán sự tập trung


Trung bình một ca sinh nở cần 12-14 giờ đồng hồ. Khi tử cung co thắt, bạn cần cố giữ bình tĩnh. Nếu bạn căng thẳng ngay cơn co thắt đầu tiên, đếm số lần co thắt và thở bằng miệng mỗi lần thấy đau thì bạn sẽ mệt rất nhanh và cảm thấy không thể chịu đựng nổi. Nên điều cần làm lúc bấy giờ là thả lỏng. Đi bộ, đi mua sắm, tưới cây, cắm hoa..., sẽ giúp bạn tạm quên đi những căng thẳng này.


Mát xa nhẹ nhàng


Trong quá trình trở dạ, nếu có người mát xa nhẹ nhàng cho bạn thì rất tốt, nhất là những chỗ bạn cảm thấy khó chịu. Cách này giúp giảm đau và giải tỏa lo lắng. Hãy nói cho người đó biết bạn muốn được mát xa theo kiểu nào và lực mạnh đến đâu.


Thông thường sau giai đoạn đầu của quá trình trở dạ, mát xa phần vai và gáy sẽ khiến sản phụ thấy thoải mái. Tiếp theo khi những cơn co thắt tử cung ngày một dày hơn thì mát xa vùng lưng eo sẽ có hiệu quả. Đương nhiên sẽ có lúc bạn không muốn ai đụng vào người mình hết.


Chọn tư thế sinh nở


Mặc dù hầu hết các bệnh viện đều yêu cầu sản phụ sinh trong tư thế nằm nhưng như thế không phải là tốt nhất. Các bác sĩ sản khoa ngày càng ưa chuộng tư thế sinh đứng hoặc quỳ, phần trên của cơ thể thẳng đứng sẽ tạo ra trọng lực rất tốt giúp bé chào đời dễ dàng. Cho nên nếu được, bạn hãy thảo luận với bác sĩ của mình xem tư thế sinh nở cho bạn thế nào là phù hợp nhất.


Hít thở nhẹ nhàng

Hít thở một cách có quy luật không chỉ giúp bạn tập trung vào những cơn co thắt dầy nhất mà những lần hít thở sâu giữa 2 cơn đau sẽ khiến bạn thư giãn hơn.

Vận động một chút

Điều này không chỉ giúp bạn giải tỏa phần nào những khó chịu mà còn làm cho việc sinh nở thuận lợi hơn. Sau khi được bác sĩ cho phép, bạn có thể đi vòng quanh sân bệnh viện một chút, nhẹ nhàng vung tay vung chân, thậm chí từ từ đứng lên ngồi xuống.


Phát huy tối đa trí tưởng tượng


Điều này giúp các sản phụ có thể đưa mình vào trạng thái thư giãn nhất, còn gọi là "ru ngủ chính mình". Ở nhiều nhà hộ sinh ở các nước phát triển, người ta để sản phụ nghe nhạc và xem video với màn hình rộng với các hình ảnh và âm thanh về đại dương, về rừng hoa bát ngát, về những em bé đẹp như thiên thần. Điều đó khiến quá trình sinh nở trở nên dễ dàng hơn.

Bạn có thể tưởng tượng về những gì êm ái nhất, tưởng tượng mình đang trở về dòng sông quê hương, đang bồng đứa con bé bỏng xinh đẹp trên tay...

Lắng nghe "tiếng nói" của cơ thể

Sẽ không có phương pháp nào phù hợp với tất cả các sản phụ. Bạn hãy lắng nghe cơ thể mình để tìm ra cách tốt nhất có thể đem lại cảm giác thư thái (tất nhiên là phải được sự đồng ý của bác sĩ trực tiếp). Chẳng hạn, có người cảm thấy thoải mái khi nằm trên nền đất lạnh, có chị em lại thấy tất cả các phương pháp hít thở đều không có tác dụng mà chỉ dễ chịu khi ôm được cái gối to đùng mềm mại trong tay... Vậy thì bạn hãy thử mọi cách xem sao. Trên đời có bao nhiêu đứa trẻ khác nhau thì cũng có bấy nhiêu hành trình vượt cạn khác nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét