Thứ Tư, 1 tháng 10, 2008

Khó xác định nguyên nhân đột tử

Đột tử: Khó xác định nguyên nhân

Một người đang hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ một biểu hiện bệnh tật nào, bỗng nhiên lăn ra… chết. Đó là hiện tượng đột tử, và trong nhiều trường hợp, không thể xác định được chính xác nguyên nhân.


Phát hiện sớm các bệnh lý và nguy cơ về tai biến tim mạch để đề phòng đột tử



Đột quỵ - hiện tượng phổ biến


GS Phạm Gia Khải - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Trung ương cho biết, dù thế giới đã có nền khoa học tiên tiến, với nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại và đội ngũ chuyên gia giỏi, nhưng vẫn chưa thể lý giải được nguyên nhân gây đột tử.

Đột tử là từ dùng để chỉ cái chết đến hết sức đột ngột, không có dấu hiệu hoặc triệu chứng báo trước. Tuy vậy, trên thực tế thì có tới 3/4 các trường hợp đột tử được xác định là có liên quan đến các bệnh lý mạch vành tim hoặc bệnh van tim. Đột quỵ, tắc nghẽn động mạch chủ, choáng phản vệ, xuất huyết tiêu hóa ồ ạt… cũng là những nguyên nhân gây nên cái chết “bất đắc kỳ tử”.

Đột quỵ (hay còn gọi là chứng ngập máu, tai biến mạch máu não) là hội chứng thường gặp hơn cả. Đột quỵ xảy ra bất thình lình, và đôi khi chính là dấu hiệu “công khai hóa” bệnh lý tiềm ẩn về mạch máu não mà từ lâu, chính bản thân người bệnh cũng không hề hay biết. Những triệu chứng báo hiệu này xuất hiện một cách đột ngột, ồ ạt, trở thành tai biến gây chết người ngay lập tức. Đây được coi là bệnh của tuổi trung niên và tuổi già với tỷ lệ tăng dần theo độ tuổi (ở phụ nữ tuổi mãn kinh, tỷ lệ đột quỵ tăng một cách ồ ạt và rất đột ngột). Có tới gần 36% các trường hợp tử vong ở người già là do các bệnh lý về tim mạch, trong đó 35% là tai biến do thiếu máu cơ tim và não, 30% do chảy máu não, 15% do suy tim, 9% do ngừng tim (đột tử), 9% do các nguyên nhân khác.

Đột quỵ có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, điển hình là hiện tượng tắc mạch hay huyết khối. Tình trạng vỡ mạch thường gặp ở những người bị bệnh tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh tiểu đường, tăng nồng độ mỡ máu, thậm chí ở người nghiện thuốc lá. Những bệnh nhân này nếu không chịu vận động, tập thể dục, nếu để cơ thể quá béo hoặc sống trong môi trường khí hậu không được ôn hòa, hoặc là thành viên trong gia đình đã có người bị đột quỵ… thì nguy cơ bị đột tử sẽ càng tăng lên.

Chỉ xác định bệnh lý khi đã quá muộn


Cũng theo GS Phạm Gia Khải, theo một vài kết quả nghiên cứu giải phẫu bệnh lý qua mổ tử thi các trường hợp đột tử, có tới 3/4 số trường hợp có tổn thương tim (hoại tử rộng cơ tim, vỡ tim hoặc vỡ các động mạch lớn). Ngoài ra, có khoảng từ 5 đến 20% các trường hợp đột tử không xác định được bệnh lý.

Đã có nhiều trường hợp đột tử cùng một nơi, một hoàn cảnh, tương đối đồng nhất về mặt thời gian, người ta nghĩ nhiều đến nguyên nhân bị nhiễm độc hoặc mắc một bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm nào đó. Thông thường thì người ta chỉ xác định được nguyên nhân khi “tất cả đều đã quá muộn”, tức là xác định thông qua mổ tử thi. Nếu là do nhiễm độc hoặc dịch bệnh thì ngoài mổ tử thi, người ta còn phải điều tra dịch tễ học để có biện pháp phòng ngừa cho những người còn sống.

Hầu hết các trường hợp gây nên đột tử có liên quan đến bệnh lý tim mạch - đó là khẳng định được đưa ra từ rất nhiều nghiên cứu. Các loại bệnh lý này có thể diễn biến thầm lặng trong cơ thể, bộc phát biến cố khi gặp điều kiện thuận lợi; hoặc biến cố có thể xảy ra bất ngờ trên một bệnh lý có sẵn, đã biết rõ nhưng không được kiểm soát tốt… Vì thế, lựa chọn duy nhất để đề phòng đột tử, đó là tìm cách phát hiện sớm các bệnh lý và yếu tố nguy cơ đối với các tai biến tim mạch để tích cực điều trị, theo dõi ổn định và kiểm soát bệnh tốt.

(theo An Ninh Thủ Đô)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét